Sáng 1/3, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi, tranh tụng về kết luận sơ thẩm của VKSND liên quan đến hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo lời khai của ông Trần Văn Bình - nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh được Phạm Công Danh nhờ đứng tên hộ giám đốc Công ty Trung Dung thì: Về hồ sơ vay vốn 500 tỷ đồng, Bình ký nhưng không biết mục đích vay vốn, không đọc hồ sơ vay vốn. Sau khi ký xong thì hồ sơ đưa cho kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh.
Về số tiền 500 tỷ đồng, Trung Dung không sử dụng, có chuyển về tài khoản của Công ty Trung Dung hay không thì bị cáo cũng không hay biết.
Trần Văn Bình thừa nhận sai phạm trong trình tự thủ tục vay 500 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi liên quan đến Công ty Trung Dung, Trần Văn Bình cho biết bản thân là TGĐ nhưng không biết bất kỳ một vấn đề gì liên quan đến công ty này.
Khi HĐXX xét hỏi bà Đặng Quỳnh Mai thì bà này cho hay vào thời điểm xảy ra vụ việc, bà là lãnh đạo khối khách hàng doanh nghiệp của OceanBank.
Về khoản vay 500 tỷ đồng, bà Mai nhận hồ sơ vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung từ bị cáo Nguyễn Văn Hoàn – cựu Phó TGĐ OceanBank.
Theo thẩm định, hồ sơ mục đích sử dụng vốn mới chỉ cung cấp chứng từ copy và tài sản đảm bảo chưa đủ cho khoản vay. Nguồn trả nợ là bất động sản nhưng thời điểm đó rất nhiều rủi ro. Số tiền 250 tỷ đồng của Công ty Trung Dung dùng làm tài sản đảm bảo chỉ là báo cáo nhưng chưa được kiểm toán (Số tiền vốn điều lệ của Công ty Trung Dung được cơ quan điều tra xác định là ảo).
Theo bà Mai, hồ sơ của Công ty Trung Dung chưa đủ điều kiện cho vay. Bà cũng đã có báo cáo lãnh đạo vấn đề này.
Khi HĐXX xét hỏi bị cáo Hà Văn Thắm, bị cáo thừa nhận sai phạm trong khoản vay của Trung Dung. Hà Văn Thắm cũng khẳng định bản thân nhận thức được việc cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng là sai. Đồng thời, bị cáo cũng đã tích cực trong việc khắc phục hậu quả.
Khi bị HĐXX hỏi "khoản vay 500 tỷ đồng có những gì sai phạm?" Hà Văn Thắm khai "Bị cáo nhận thức được sai phạm về tài sản đảm bảo, sau đó bị cáo đã hỗ trợ cho ngân hàng Đại Tín để thanh khoản. Bị cáo đã cố gắng khắc phục hậu quả, mong HĐXX xem xét cho bị cáo”, Thắm nói.
Hà Văn Thắm được lực lượng chức năng dẫn vào phiên xét xử ngày 28/2/2017. (Ảnh Chí Hiếu) |
Theo Hà Văn Thắm, thực chất Phạm Công Danh là chủ Công ty Trung Dung. Trong số tài sản đảm bảo vay tiền, Hà Văn Thắm không lo lắng về khoản tài sản đảm bảo của Công ty SGG, rủi ro nhất là 250 tỷ đồng vốn điều lệ tài sản của Công ty Trung Dung.
Nhưng Thắm vẫn cho vay vì nhận thấy Công ty Trung Dung có giá trị thương mại tốt khi có mặt bằng cho BigC thuê, có trung tâm tổ chức sự kiện, tiệc cưới. Ngoài ra, Phạm Công Danh cũng từng vay tiền tại Oceanbank để mua khu đất ở Đà Nẵng.
Khi HĐXX xét hỏi bị cáo Nguyễn Văn Hoàn - nguyên Phó TGĐ OceanBank. HĐXX cho biết đã nhận được rất nhiều đơn lý giải về khoản vay 500 tỷ đồng của bị cáo Hoàn. Tòa hỏi: "Bị cáo nhận thức được việc làm này như thế nào?"
Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn tại tòa. (Ảnh Nhật Anh). |
Hoàn khai bản thân Công ty Trung Dung đã từng có quan hệ và giao dịch với OceanBank. Đồng thời, nhân thân của người đại diện bị cáo cũng biết. Bản thân bị cáo chỉ là người ký hợp đồng rồi chuyển ngay cho cấp dưới.
HĐXX hỏi: "Bị cáo có biết người vay sử dụng số tiền này như thế nào và số tiền đã đi đâu?"
Hoàn cho biết bản thân cũng theo dõi, sau đó biết bên Trung Dung chưa cung cấp hồ sơ hoàn chỉnh, bị cáo đã gửi công văn yêu cầu cung cấp các chứng từ của phương án cho vay tài chính tới Đại Tín, Trung Dung.
Bị cáo nhận thức được việc cho vay này chưa đủ về mặt hồ sơ, tài sản đảm bảo. Viện kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố bị cáo là đồng phạm với Thắm là đúng.
Đến 9h10: Bà Ngô Kim Lan đại diện cho nhóm 7 người liên quan đến bà Hứa Thị Phấn trả lời HĐXX.
Bà Lan trình bày, do Thắm có lời lẽ đe dọa về thân phận của bà Phấn và hoạt động của Ngân hàng Đại Tín nên bà Phấn đã chỉ đạo người thân bán 84,92% cho Thắm. "Ngay cả việc làm thủ tục có gì đó khó tả. Thắm từ Hà Nội bay vào Sài Gòn cầm ngay các hóa đơn, giấy tờ rồi lại bay ra luôn ”, bà nói.
Bà Lan cũng cho biết, khi làm hợp đồng mượn tài sản thế chấp, Phạm Công Danh hứa không quá 1 năm sẽ trả lại. Nhận thấy Thắm và Danh là hai người trẻ và tài giỏi nên bản thân bà Phấn hoàn toàn tin tưởng, nói với người thân cho mượn tài sản.
HĐXX tiếp tục dẫn lời khai của Hà Văn Thắm tại cơ quan điều tra về những rủi ro trong phê duyệt hồ sơ cho vay đối với Công ty Trung Dung, như tài sản đảm bảo là dự án kinh doanh bất động sản vào thời điểm đó có rủi ro; rủi ro về tài sản đảm bảo 250 tỷ đồng của Công ty Trung Dung bị cáo biết không có thật; cân đối khoản vay và tài sản đảm bảo vượt quá 103%.
Khi được yêu cầu lý giải về số tiền 500 tỷ đồng không thể thu hồi, Hà Văn Thắm cho biết khi cầm hồ sơ, bị cáo nhận thức được rủi ro.
HĐXX xét hỏi việc cho vay số tiền này có liên quan đến lời hứa hỗ trợ ngân hàng Đại Tín sau khi chuyển nhượng cho Phạm Công Danh hay không. Thắm khai, bị cáo chỉ giúp trong phạm vi có thể chứ không hứa hẹn gì. “Không ai có tác động tới bị cáo trong khoản vay này.”
Đến lượt Phạm Công Danh trả lời HĐXX, Phạm Công Danh cho biết, bản thân là nạn nhân trong việc vay mượn, mua bán, chuyển nhượng giữa OceanBank và Ngân hàng Đại Tín. Việc đại diện nhóm của bà Phấn nói bà Phấn không biết là không chính xác. Bởi vì Thắm và bà Phấn trực tiếp trao đổi, nói chuyện với nhau.
Ngày 6/6/2012, Phạm Công Danh vào tiếp quản Đại Tín với các điều khoản thỏa thuận.
Cuối năm 2012, Phạm Công Danh có nói với bà Phấn là muốn vay ở tiền Oceanbank nhưng khoản thế chấp đất tại Tô Hiến Thành, TP.HCM (do Công ty Trung Dung quản lý) chưa đủ tư cách pháp lý. Bên cạnh đó Danh cũng không muốn đưa tài sản lớn đi vay tài sản nhỏ như vậy.
Tại phiên xét xử, bà Lan cho biết, Phạm Công Danh đã đề nghị bà Phấn cho mượn tài sản để vay tiền và trong 3 tháng sẽ hoàn trả; sau khi ký sẽ lại gia hạn tối đa 1 năm trả lại tài sản.
Theo bà, cả Danh và Thắm đều thể hiện là người trẻ tài năng giàu có, khi chuyển giao sẽ rất tin tưởng để NH hoạt động tốt và không đuổi nhân viên cũ của NH. Hơn nữa, Phạm Công Danh còn cho biết ông ta có rất nhiều tiền. Vào thời điểm đó, nhà nước có gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản thì ông ta có 50.000 tỷ đồng.
Ngoài ra Danh còn cho biết, nếu hoàn tất thủ tục đối với mảnh đất tại Tô Hiến Thành, Danh sẽ rút tài sản đảm bảo của gia đình bà Phấn ra khỏi khối tài sản đảm bảo cho khoản vay 500 tỷ đồng. Chính vì vậy bà Phấn đã bàn với người thân cho Phạm Công Danh mượn tài sản.
Sau thời gian một năm, gia đình bà Phấn có gửi văn bản đòi Công ty Trung Dung số tài sản công ty này mượn nhưng công ty này không trả.
Theo quan điểm của đại diện bà Phấn, họ bị buộc phải ký thế chấp tài sản vì bị cưỡng ép. Bà Lan cho hay, cơ quan điều tra vẫn còn lưu một số chứng cứ liên quan đến việc Thắm đe dọa bà Phấn về vấn đề này.
Hà Văn Thắm cho rằng trách nhiệm số tiền 500 tỷ đồng này là của Ngân hàng Đại Tín.
Liên quan khoản vay 500 tỷ đồng, Hà Văn Thắm cho biết, vào thời điểm đàm phán thỏa thuận, Đại Tín được đánh giá ở tình trạng nguy hiểm và đang ở dưới sự quản lý của nhóm bà Phấn, chứ không phải là Phạm Công Danh.
Về lời đe dọa như cáo buộc của đại diện nhóm bà Phấn, theo Hà Văn Thắm, bị cáo phân tích dựa trên hiểu biết của mình về tình trạng của NH. “Cô không làm được, cháu không làm được tốt nhất là chuyển nhượng. Bà Phấn nghĩ là bị đe dọa”, Hà Văn Thắm nói.
Bị cáo cũng cho rằng mình không mua bán cổ phần với Phạm Công Danh mà bà Phấn và Phạm Công Danh làm việc với nhau.
Trong khi đó, Phạm Công Danh khai rằng, việc bà Phấn đưa tài sản cho Phạm Công Danh cầm cố vì sợ trách nhiệm liên quan đến Ngân hàng Đại Tín. Bị án Phạm Công Danh cũng cho hay, ông ta đã bỏ rất nhiều tiền vào Ngân hàng Đại Tín.
Liên quan đến khoản tiền 500 tỷ đồng theo lời khai của Hà Văn Thắm, Danh đã đề nghị Ngân hàng Đại Tín phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dung. Việc giải ngân số tiền này phải được sự đồng ý của Oceanbank khi đầy đủ hồ sơ gốc. Bởi vậy, bị cáo Thắm cho rằng, trách nhiệm số tiền 500 tỷ đồng này là của Ngân hàng Đại Tín.
Về vấn đề này, chủ tọa yêu cầu đại diện của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) trả lời.
Theo đại diện ngân hàng CB, trong tài liệu hồ sơ lưu không hề nhận được biên bản cam kết về việc phong tỏa tài khoản. Ngày 6/10/2014, Oceanbank gửi sang cho VNCB biên bản photo, và cho đến nay VNCB chưa nhận được bất kỳ văn bản chính thức nào về vấn đề này, đại diện VNCB cho biết.
HĐXX thẩm vấn Phạm Hoàng Giang - nguyên TGĐ Công ty BSC.
Trả lời HĐXX, Giang khai Công ty BSC Việt Nam được Thắm thành lập từ năm 2008. Đến năm 2009, Giang giữ chức TGĐ thì công ty mới hoạt động. Lĩnh vực kinh doanh của công ty này là dịch vụ quản lý tài sản, tư vấn… liên quan đến bất động sản mà các hợp đồng chủ yếu là khách hàng của Oceanbank.
Phạm Hoàng Giang - nguyên TGĐ Công ty BSC.. (Ảnh Nhật Anh). |
Giang khai bản thân được thuê làm GĐ nhưng trong Hợp đồng lao động lại ghi là đại diện điều hành qua sự chỉ đạo của chủ tịch HĐQT chuyên thực hiện theo các hợp đồng lao động.
HĐXX hỏi bị cáo Giang: "Nguồn tiền thu phí của các khách hàng do BSC thu thì dùng như thế nào?"
Trả lời vấn đề này, Giang khai tài chính của công ty là do HĐQT quản lý. Đại diện theo pháp luật là bà Hoàng Thị Hồng Tứ giữ tài khoản của công ty.
Liên quan đến công ty BSC, Bà Hoàng Thị Hồng Tứ - đại diện pháp lý của công ty BSC trình bày, trước đây là nhân viên của OceanBank, sau đó được Thắm nhờ đứng tên chứ không hưởng lương, không điều hành, không quản lý và không có thẩm quyền gì trong Công ty BSC.
Còn bị cáo Thắm cho biết, bản thân thành lập Công ty BSC để quản lý, tư vấn về bất động sản, định giá, kinh doanh các dịch vụ về bất động sản khi khách hàng có nhu cầu.
Dự kiến, đến 13h30 cùng ngày phiên xét xử buổi chiều sẽ tiếp tục diễn ra.
Nhận xét
Đăng nhận xét